Sự nghiệp cờ vua chuyên nghiệp Savielly Tartakower

Tại Pháp, Tartakower quyết định trở thành một kỳ thủ chuyên nghiệp. Ông bắt đầu hợp tác với nhiều tạp chí cờ vua khác nhau và viết một số cuốn sách và tài liệu quảng cáo về cờ vua. Cuốn sách nổi tiếng nhất trong số này, Die Hypermoderne Schachpartie (Ván đấu cờ vua siêu hiện đại) được xuất bản vào năm 1924 và kể từ đó đã được in gần 100 phiên bản khác nhau. Tartakower tham gia nhiều giải cờ quan trọng nhất vào thời gian này. Năm 1927 và 1928, ông vô địch hai giải đấu ở Hastings và đồng hạng nhất với Aron Nimzowitsch ở London. Ở giải London, ông đánh bại những đối thủ mạnh như Frank Marshall, Milan VidmarEfim Bogoljubov. Năm 1930, ông vô địch giải đấu Liège, hơn Mir Sultan Khan hai điểm. Trong những kỳ thủ xếp sau tại giải này có Akiba Rubinstein, Nimzowitsch và Marshall.

Tartakower hai lần vô địch Ba Lan, tại Warszawa 1935 và Jurata 1937.[2] Trong thập niên 1930, ông khoác áo Ba Lan sáu kỳ Olympiad cờ vua, giành ba huy chương cá nhân (vàng năm 1931 và đồng năm 1933 và 1935) và năm huy chương đồng đội (vàng năm 1930, hai bạc năm 1931 và 1939, và hai huy chương đồng năm 1935 và 1937). Năm 1935, ông là một trong những nhà tổ chức chính của Olympiad Cờ vua ở Warszawa.

  • Năm 1930, ngồi bàn thứ hai tại Olympiad Cờ vua lần thứ 3 ở Hamburg (+ 9−1 = 6);
  • Năm 1931, ngồi bàn thứ hai tại Olympiad Cờ vua lần thứ 4 ở Praha (+ 10−1 = 7);
  • Năm 1933, ngồi bàn đầu tiên tại Olympiad Cờ vua lần thứ 5 ở Folkestone (+ 6−2 = 6);
  • Năm 1935, ngồi bàn đầu tiên tại Olympiad Cờ vua lần thứ 6 ở Warszawa (+ 6−0 = 11);
  • Năm 1937, ngồi bàn đầu tiên tại Olympiad Cờ vua lần thứ 7 ở Stockholm (+ 1−2 = 10);
  • Năm 1939, ngồi bàn đầu tiên tại Olympiad Cờ vua lần thứ 8 ở Buenos Aires (+ 7−3 = 7);

Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra khi ông ở Buenos Aires, đang thi đấu tại Olympiad cờ vua lần thứ 8, khoác áo Ba Lan trong đội hình có Miguel Najdorf, người luôn gọi Tartakower là "người thầy của tôi".